Thủ lĩnh và đệ tử Khởi_nghĩa_Khăn_Vàng

Cầm đầu khởi nghĩa Khăn Vàng là Trương Giác và 2 người em là Trương Bảo và Trương Lương. Về thứ tự của Trương Bảo và Trương Lương, các sách sử ghi khác nhau: Hậu Hán thưTư trị thông giám đều ghi Trương Bảo là anh hai, Trương Lương là em thứ ba; còn Cửu châu xuân thu và Hậu Hán kỷ lại ghi Trương Lương là anh hai, Trương Bảo là em thứ ba.[4]

Ba anh em họ Trương dùng phương thức ma thuật hoặc thuật thôi miên, vẽ bùa niệm chú chữa bệnh cứu người, lấy được lòng tin của nhiều người trong thiên hạ. Trương Giác hành nghề chữa bệnh sau hơn 10 năm, nhân danh dùng Đạo giáo tập hợp được rất nhiều tín đồ.[5] Cách dùng lý thuyết của Lão Tử tập hợp quần chúng của Trương Giác bị sử sách chính thống thời phong kiến gọi là "giả thác đại đạo, mê hoặc tiểu dân". Tôn giáo mà Trương Giác tôn thờ còn được gọi bằng những tên khác như đạo Thiên sư, đạo Thái bình.[6]

Trước tình hình nhà Hán ngày càng suy yếu và mục nát và mất lòng tin của nhân dân cực khổ, anh em Trương Giác quyết định phát động quần chúng nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền Đông Hán.

Ảnh hưởng của anh em Trương Giác ngày càng rộng. Các đệ tử của họ có khắp nơi. Ông kết nạp được 36 vạn giáo chúng,[1] cứ 1 vạn người thì lập thành 1 "phương", mỗi phương đặt ra 1 đại soái. Ba mươi sáu phương đó được phân bố ở 8 trong tổng số 12 châu lớn của lãnh thổ nhà Đông Hán là Thanh, U, Từ, Ký, Kinh, Dương, Duyện, Dự.